Android là gì?
Android là một hệ điều hành dựa trên nền tảng Linux, được thiết kế dành cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ban đầu, Android được phát triển bởi Tổng công ty Android, với sự hỗ trợ tài chính từ Google và sau này được chính Google mua lại vào năm 2005.
Chính mã nguồn mở của Android cùng với tính không ràng buộc nhiều đã cho phép các nhà phát triển thiết bị di động và các lập trình viên được điều chỉnh và phân phối Android một cách tự do. Ngoài ra, Android còn có một cộng đồng lập trình viên đông đảo chuyên viết các ứng dụng để mở rộng chức năng của thiết bị.
Cho đến hiện tại, Google đã bán ra 200.000 thiết bị Android mỗi ngày và Play Store của họ vượt mức 90.000 ứng dụng. Nhờ yếu tố mở, dễ dàng tinh chỉnh cùng sự phát triển nhanh chóng đã khiến hệ điều hành này dần trở nên phổ biến, kết quả là mặc dù được thiết kế để chạy trên điện thoại và máy tính bảng nhưng giờ đây Android đã xuất hiện trên các smart TV, máy chơi game và một số thiết bị điện tử khác.
Kỷ nguyên của Android
Android bắt đầu với bản beta đầu tiên vào tháng 11 năm 2007 và phiên bản thương mại đầu tiên, Android 1.0, được phát hành vào tháng 9 năm 2008. Kể từ tháng 4 năm 2009, phiên bản Android được phát triển, đặt tên theo chủ đề bánh kẹo và phát hành theo thứ tự bảng chữ cái: Cupcake (bánh cupcake), Donut (bánh vòng), Eclair (bánh Eclair), Froyo (ya-ua lạnh), Gingerbread (bánh gừng), Honeycomb (mật ong), Ice Cream Sandwich (bánh kẹp kem), Jelly Bean (kẹo dẻo), Kitkat (bánh Kitkat) và phiên bản hiện tại Lollipop (kẹo mút).
Kỷ nguyên của Android chính thức bắt đầu vào ngày 22 tháng 10 năm 2008, khi chiếc điện thoại T-Mobile G1 bắt đầu được bán ra tại Mỹ. Vào thời gian đầu, rất nhiều tính năng cơ bản bị thiếu sót như: bàn phím ảo, cảm ứng đa điểm và tính năng mua ứng dụng vẫn chưa xuất hiện. Tuy nhiên, một số tính năng cũng như giao diện đặc sản của hệ điều hành này đã khởi nguồn từ chiếc G1 và trở thành những yếu tố không thể thiếu trên Android sau này:
Thanh thông báo vuốt từ trên xuống (Notification bar): Ngay từ những ngày đầu tiên của Android, thanh thông báo này đã đánh dấu một bước quan trọng mà trước đây chưa hề có hệ điều hành nào làm được - đưa tất cả thông tin tin nhắn, tin thoại hoặc các cuộc gọi nhỡ chỉ với thao tác vuốt xuống. Apple cũng đã học tập tính năng này và đưa vào hệ điều hành iOS của mình sau 3 năm kể từ khi phiên bản iOS đầu tiên ra mắt. Thanh notification này vẫn được Android sử dụng đến nay và đã cải tiến rất nhiều so với phiên bản đầu tiên.
Màn hình chính (Home Screen) và các widget: Một điểm khác biệt giữa Android so với các hệ điều hành khác là phần màn hình chính của mình. Bên cạnh việc thay đổi được hình nền, Android còn cho phép người dùng tùy biến màn hình chính của mình với nhiều widgets kèm theo, chẳng hạn như đồng hồ, lịch, trình nghe nhạc, đưa các icon ứng dụng ra ngoài hoặc thậm chí có thể can thiệp sâu hơn để thay đổi toàn bộ giao diện màn hình Home Screen này.
Đồng bộ và tích hợp chặt chẽ với Gmail: Vào thời điểm điện thoại G1 được bán ra, Gmail đã hỗ trợ giao thức POP và IMAP để tích hợp với các trình email trên di động. Tuy nhiên, lúc bấy giờ không có bất kì sản phẩm nào có thể hỗ trợ được hoàn toàn những tính năng ưu việt này của Gmail. Mãi cho đến khi Android 1.0 xuất hiện, vấn đề này đã được khắc phục và G1 trở thành chiếc điện thoại mang lại trải nghiệm Gmail tốt nhất trên thị trường lúc bấy giờ.
Kho ứng dụng Android Market: Thật khó có thể tưởng tượng một chiếc smartphone mà không hề có kho ứng dụng, nhưng vào thời điểm Android mới ra mắt, gần như không có bất kì điện thoại nào có kho ứng dụng nào được tích hợp và chính Android đã mở đầu cuộc cách mạng ứng dụng di động này. Android Market trên G1 thời bấy giờ có rất ít ứng dụng và giao diện cực kỳ đơn giản, hơn nữa tính năng mua ứng dụng trên phiên bản này vẫn chưa được xuất hiện mãi cho đến năm sau - những vấn đề này dễ hiểu vì thời điểm này Android chỉ mới được khai sinh nên mọi thứ còn khá thô sơ.
Giao diện: Google đã phát triển giao diện Android phiên bản 1.0 với sự hỗ trợ từ TAT, viết tắt từ The Astonishing Tribe, một công ty thiết kế tương tác của Thụy Điển. Dấu ấn rõ ràng nhất mà TAT để lại trên phiên bản Android từ phiên bản 1.0 cho đến 2.2 chính là widget đồng hồ kim nằm ngoài Home Screen tuy đơn giản nhưng rất đẹp mắt. Công ty này sau đó ngừng hợp tác với Google và bị RIM mua lại để tập trung phát triển sản phẩm Blackberry cũng như nền tảng BBX sau này.
>> Trải nghiệm Android M Developer Preview: Nhanh và mượt
Content you add hereTheo: genk.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét