23/6/15

[Chia sẻ] Vì sao mình chọn Chromecast để biến TV thường thành TV thông minh chỉ với 35$

02:01:00 - 23/6/15 Leave a Comment

Vi_sao_minh_chon_Chromecast_HEADER.
Năm 2012, mình mua một cái TV mới đặt trong phòng khách. Lúc đó do nhu cầu cũng không cần nhiều nên mình chỉ mua một cái TV bình thường, mà thường bị gọi là TV “ngu” và chủ yếu chỉ để coi truyền hình mà thôi chứ không bỏ tiền ra sắm Smart TV. Theo thời gian, càng ngày mình càng xem nhiều nội dung online hơn, nhất là YouTube và lâu lâu cũng muốn truyền nội dung từ máy tính ra màn hình lớn hơn để nghe nhạc hay xem hình ảnh. Nhưng giờ không lẽ phải đi mua một cái Smart TV mới? Không khả thi lắm, vì các TV “ngu” hiện tại của mình vẫn còn hoạt động ngon lành? Thế là mình suy nghĩ đến một số giải pháp nâng cấp, và cuối cùng mình đã mua cục Chromecast của Google với giá chỉ 35$, tức là khoảng hơn 700.000 đồng một chút.

Nhưng trước khi bỏ tiền ra mua Chromecast, mình cũng phải đắn đo suy nghĩ nhiều giải pháp khác lắm, thậm chí đã bỏ tiền ra một thứ khác nữa rồi trước khi đến với Chromecast. Thông qua bài này, mình muốn chia sẻ với các bạn về lý do mình chọn Chromecast để nâng cấp trải nghiệm giải trí cho phòng khách của mình thay vì mua một số giải pháp tương đương, hi vọng qua đó các bạn sẽ hiểu hơn về Chromecast để có thể chọn mua một cách chính xác hơn khi có nhu cầu tương tự như mình.

Nhu cầu của mình chủ yếu là xem video online, nhất là xem YouTube, lâu lâu cũng có nghe nhạc trên mạng. Ngoài ra, mình muốn nghe nhạc bằng TV để sẵn tiện xuất âm thanh ra dàn loa bên ngoài đang nói với TV luôn, khỏi nối lại vào máy tính mất công. Chưa hết, đôi khi mình cũng cần đưa hình ảnh từ máy tính ra TV từ xa để cả gia đình cùng coi những tấm ảnh mình chụp sau những chuyến đi công tác xa, không phải nối cáp HDMI trực tiếp.

Vào thời điểm đó, và ngay cả trong thời điểm hiện tại, mình có một vài lựa chọn như sau: sắm hẳn một cái PC giá rẻ, mua Apple TV, hoặc lựa chọn những đầu set-top box chạy Android trên thị trường. Lưu ý là lúc này vẫn còn là năm 2012, và Chromecast chưa hề ra đời nhé.

Apple TV? Đắt quá so với nhu cầu

Đầu tiên mình cũng có mượn Apple TV về gắn vào thử. Mình sử dụng khá nhiều thiết bị Apple, và ban đầu mình nghĩ rằng nếu vác cục Apple TV gắn vô thì mọi thứ sẽ hoạt động ngon lành. Đúng là mọi thứ hoạt động tốt thật đấy, toàn bộ nhu cầu của mình cũng được đáp ứng đầy đủ, nhưng vấn đề là mình chỉ có thể xài các thiết bị iOS hoặc máy Mac với Apple TV mà thôi. Những khi mình cầm trong tay chiếc điện thoại hay tablet Android thì đành chịu chết. Thực chất cũng có app để giúp máy Android tương thích với Apple TV đấy, nhưng trải nghiệm không thật sự ngon lành như dùng hệ sinh thái Apple.

apple-appletv12-channels-lg.

Nhưng đó không phải là lý do chính, lý do này chỉ chiếm 20% quyết định không mua Apple TV của mình mà thôi. 80% còn lại đến từ giá sản phẩm: Apple TV khi đó được bán với mức 100$, ở Việt Nam thì có thể lên tới 2,2-2,5 triệu đồng, quá đắt đỏ so với nhu cầu của mình.

Đầu set-top box chạy Android? Chưa thật ngon

Thế là mình quay sang set-top box chạy Android. Do mình không tin tưởng lắm vào các đầu Android của những nhà sản xuất Trung Quốc nên mình không cân nhắc những lựa chọn này, thay vào đó mình nhắm đến Logitech Revue, một thiết bị chạy hệ điều hành Google TV và được hỗ trợ chính thức bởi chính Google. Thực chất Google TV cũng là nền Android mà thôi, có điều giao diện của hệ thống được tinh chỉnh lại để phù hợp hơn cho việc sử dụng trên màn hình lớn, kết hợp với bàn phím rời và remote riêng.

Và mình đã mua Logitech Revue với giá chỉ 1,2 triệu đồng từ một anh bạn. Chiếc máy này ra mắt lần đầu tiên vào năm 2010, lúc đó giá bán lên đến 299$ (khoảng 6 triệu đồng), nhưng tới lúc mình mua nó thì đã là năm 2012 nên giá bán từ các trang web của Mỹ chỉ còn khoảng 2 triệu, mà anh bạn mình lại mua đúng ngay dịp giảm giá nữa nên chỉ phải trả khoảng tiền 1,2 triệu nói trên (đã tính luôn tiền giao hàng từ Mỹ về rồi đấy nhé).

Logitech_Revue_Google_TV.

Rồi mình bắt đầu sử dụng Revue. Với hầu hết nhu cầu mà mình đã nói ở trên, Revue hoàn toàn có thể đáp ứng tốt. Thậm chí mình còn xài được máy Mac hay iPhone, iPad để truyền nhạc không dây sang đầu máy này bằng cách cài thêm 1 app bên thứ ba viết cho Android nữa kìa, không thua mấy so với Apple TV. Thứ duy nhất mà mình không làm được đó là truyền trực tiếp hình ảnh từ PC sang TV bởi Logitech không hỗ trợ tính năng mirror, và không chỉ có Logitech Revue mà hầu hết những đầu set-top box hay USB Stick chạy Android đều có thể làm được những thứ tương tự.

Nhưng mọi thứ vẫn chưa yên ổn. Trải nghiệm của Android trên TV không tốt, mọi thứ vẫn còn quá phức tạp và bạn có cảm giác như những thứ mà bạn đang thấy trên TV chỉ đơn giản là giao diện của một chiếc tablet phóng to ra. Để chạy YouTube, bạn phải dùng bàn phím không dây và nhấn nhiều lần phím mũi tên thì mới khởi động được app này. Tương tự, nếu mình muốn nghe nhạc online, mình buộc phải xài bàn phím nhập địa chỉ trang web nhạc mà mình thường ghé thăm, di chuyển con trỏ một cách khó khăn đến nút Go, rồi lại nhấn phím Enter. Quá nhiều thao tác cho một việc đơn giản, mà thao tác trên TV thì khó hơn nhiều so với việc làm những thứ tương tự trên máy tính.

Giao_dien_Google_TV.
Giao diện duyệt app của Google TV, chả khác gì so với smartphone và tablet

Tình trạng này cũng diễn ra với một số USB Stick Android khác mà mình mượn về trải nghiệm thử vì cơ bản là nhà sản xuất mang cả một hệ điều hành Android đồ sộ lên TV. Mình cần một thứ gì đó thật dễ dùng, thật đơn giản, có như vậy thì trải nghiệm giải trí mới vui vẻ và hấp dẫn được. Còn với Revue nói riêng và một số đầu Android khác, nội việc chạy app là đã phải trải qua nhiều thao tác rồi, chưa kể đến lúc tìm video để xem hay nhập địa chỉ web để vào nghe nhạc thì còn khó chịu hơn nữa. Không chỉ mình mà cả người nhà, rồi cả bạn bè đến chơi đều cảm thấy điều đó.

Thế là cuộc săn tìm một giải pháp tốt hơn lại bắt đầu...

Đến với Chromecast

Tháng 7 năm 2013, Google giới thiệu Chromecast với giá chỉ 35$, một mức giá không chỉ làm ồ òa người dùng mà còn cả những nhà phân tích nói chung bởi con số này quá rẻ. Quá rẻ so với một nhỏ gọn cục gắn vào TV có khả năng phát video YouTube, nghe nhạc từ Google Music, hỗ trợ truyền video nhanh từ máy tính hay điện thoại sang, lại còn cho phép mirror màn hình (mặc dù chỉ mới là tính năng thử nghiệm) hoặc mirror trang web đang xem. Thế là mình quyết định sẽ sắm thử một con Chromecast xem có ngon hay không. Vậy là nhân dịp có người thân sang Mỹ chơi, mình nhờ họ xách tay về giúp một cái.

Trải nghiệm đầu tiên với Chromecast đó là tính tiện dụng của nó cực kì cao, ngay từ khâu thiết lập thì triết lý này đã thể hiện rõ. Bạn chỉ cần cầm điện thoại lên, iOS hay Android hoặc thậm chí xài máy tính cũng được,chỉ chạm chạm vài cái đơn giản là đã có thể bắt đầu sử dụng thiết bị này. Ngoài ra, Chromecast không có điều khiển từ xa hay bàn phím rời gì cả, mọi thứ đều được thực hiện từ thiết bị di động hoặc chiếc PC quen thuộc nên mình không cần phải học lại cách sử dụng.

Nếu bạn muốn ra lệnh cho Chromecast chơi một đoạn video nào đó trên YouTube thì sao? Dễ ẹc, xài điện thoại tìm ra đoạn clip đó, hoặc vô danh sách favorite, nhấn vào nút Cast là xong. Muốn phát video từ Google Music? Cũng dễ, thực hiện tương tự thôi. Ngoài ra, mình còn có thể dùng ứng dụng Plex để "bắn" phim ảnh lưu trên thiết bị hoặc ổ cứng rời của mình sang Chromecast để xem trên màn hình TV.

chromecast-despicable-me_2x.

Ngay cả việc mirror màn hình điện thoại và máy tính sang cũng có thể được thực hiện trong chỉ vài giây, dù cho bạn đang dùng máy Windows, Android, iOS hay Mac đều chơi tuốt (có điều máy iOS thì không hỗ trợ mirror nhé). Tính năng cast trang web đang xem bằng Chrome sang TV cũng khá thú vị, đặc biệt là khi mình cần nghe nhạc trên những trang web như NhacCuaTui hay ZingMP3 (app của họ không hỗ trợ Chromecast nên phải xài đường vòng thông qua trình duyệt).

Bên cạnh đó, mình để ý là âm thanh xuất ra từ Chromecast mạnh mẽ và hay hơn nhiều so với âm thanh của Revue mặc dù mình sử dụng cùng chế độ loa TV, cùng dàn âm thanh, cùng cổng HDMI và không bật bất kì equalizer nào cả. Có vẻ như con chip xử lý âm thanh của Chromecast tốt hơn nên mới đạt được hiệu quả như thế này, và nó giúp việc thưởng thức nhạc/clip của mình trở nên tốt hơn nhiều.

Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là giá của Chromecast. Chromecast có thể thực hiện được hầu hết những chức năng của Apple TV và các đầu Android, trong khi giá chỉ bằng 1/2, thậm chí là 1/4 so với các sản phẩm đối thủ. Chỉ với 700.000 đồng mà mình đã có thể thực hiện được tất cả những gì yêu cầu của mình, biến một chiếc TV “ngu” thành một cái TV thông minh và hiện đại. Vậy thì còn đòi hỏi gì hơn nữa.

Hạn chế của Chromecast

Chromecast không phải là không có hạn chế của nó. Trước hết, Chromecast gần như không hỗ trợ chơi game nào cả, trong khi nếu bạn sắm một đầu Android TV về thì có cả đống game trên Play Store tha hồ mà bắn phá. Do mình không cần chơi game nên điều này không ảnh hưởng gì đến mình, nhưng nhu cầu của anh em thì có thể sẽ khác. Bạn có thể hỏi là vậy nếu mirror màn hình điện thoại Android hay màn hình máy tính sang TV chơi được không, câu trả lời là cũng được nhưng không ngon do tốc độ truyền hình ảnh chưa thật cao, lâu lâu vẫn xảy ra hiện tượng đứng, giật khiến việc chơi game không sướng.

Điểm hạn chế thứ hai đó là bản thân Chromecast không cho phép cài app trực tiếp mà bạn sẽ phải phụ thuộc vào smartphone, tablet hoặc PC. Bạn hãy tưởng tượng Chromecast giống như là một cục nhận lệnh. Khi nó nhận được lệnh chơi một video từ YouTube thì thiết bị sẽ trình chiếu đoạn phim tương ứng chứ trên Chromecast không hề có app YouTube nào cả. Tương tự, khi bạn xài máy tính để mirror một tab nào đó ra TV, bạn cũng phải làm từ máy tính chứ Chromecast không có trình duyệt của riêng mình như các đầu Android TV.

Ngoài ra, không phải app phim, nhạc nào cũng tương thích với Chromecast, ví dụ rõ nhất đó là NhacCuaTui hay ZingMP3 mà mình đã chia sẻ ở trên. Trong những tình huống đó, bạn sẽ phải chuyển sang mirror trình duyệt. Có một số dịch vụ video nổi tiếng hỗ trợ cho Chromecast như HBO, Netflix, Hulu, ESPN... nhưng hầu hết đều không cung cấp cho thị trường Việt Nam nên chúng ta đành bó tay, chỉ có YouTube là hoạt động ngon lành. Những dịch vụ phổ biến tại nước ta như HDViet, HayHayTV, FPT Play... thì lại không tương thích Chromecast (nhưng bạn sẽ cài được chúng nếu dùng Android TV, một lợi điểm cực to so với Chromecast nếu nhu cầu của bạn cần đến những app này).

Dich_vu_Chromecast.
Một số dịch vụ Chromecast hỗ trợ, và không nhiều trong số này có cho Việt Nam

Và điểm hạn chế cuối cùng, Chromecast vẫn còn quá khó để mua được tại Việt Nam, kể cả lúc mình mua nó vào năm 2013 đến thời điểm mình viết bài này. Lâu lâu mình có thấy một ai đó rao bán online, nhưng số lượng không nhiều nên dù giá rẻ nhưng kiếm mua cũng khá cực khổ, và thường giá sẽ bị đội lên từ 100 nghìn đồng cho đến 500 nghìn đồng tùy người bán.

Tóm lại thì Chromecast là một lựa chọn rất đáng giá nếu nhu cầu giải trí phòng khách của bạn xoay quanh việc thưởng thức các video YouTube hay các đoạn phim, nhạc trên mạng. Chỉ với khoảng 700.000 đồng, chúng ta đã có một giải pháp chơi nội dung không dây quá tuyệt vời và chất lượng cao, rất đáng giá so với việc đầu tư mua Apple TV hoặc một bộ set-top box Android. Có điều, nếu đang nung nấu ý định sắm Chromecast, bạn cần để ý đến 3 hạn chế chính: không thể cài game, cần phải phụ thuộc vào thiết bị di động hoặc PC để điều khiển, và khó kiếm mua ở Việt Nam. Hi vọng thông qua bài viết của mình, các bạn sẽ hiểu thêm về Chromecast và đưa ra được lựa chọn đúng đắn cho mình. Nếu bạn có thắc mắc gì thì hãy comment ngay bên dưới, mình và các anh em khác có dùng Chromecast sẽ vào giải đáp cho các bạn nhé.
 
Content you add hereTheo: tinhte.vn
Socialize It →
Đăng ký theo dỏi những bài viết mới

Other Interesting Posts :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

© 2014 All Rights Reserved.
Tin Công Nghệ & Powered By Blogger Auto Post
Contact email: thienquangptq@gmail.com OR call: 0946.629.486(Thiên Quang)