23/5/15

Đừng lo lắng, ổ SSD của bạn sẽ không dễ mất dữ liệu khi không cắm nguồn đâu!

02:02:00 - 23/5/15 Leave a Comment

SSD_luu_giu_lieu_nhiet_do_cao_khong_mat_HEADER.
Hồi tuần trước có thông tin nói rằng các ổ SSD sẽ bị mất dữ liệu sau một thời gian dài không được cấp nguồn, điều này làm rất nhiều anh em lo ngại vì tính bền bỉ cũng như độ an toàn của các ổ lưu trữ thể rắn. Tuy nhiên, thực chất mọi chuyện không nghiêm trọng như thế, và dữ liệu của chúng ta vẫn sẽ còn trên ổ SSD trong điều kiện thông thường chứ chẳng mất đi đâu cả. Miễn là bạn còn sử dụng và lưu trữ SSD ở điều kiện thông thường, không đem ném nó vào chỗ nào cực nóng và cực lạnh thì chẳng có vấn đề gì xảy ra.

Đầu tiên, bài thuyết trình được mọi nhắc đến không phải đến từ Seagate như nhiều trang nói, mà nó đến trực tiếp từ hiệp hội JEDEC, cũng là cơ quan tạo ra, quản lý cũng như phổ biến các quy chuẩn toàn cầu liên quan đến bộ nhớ rắng. Các slide này cũng đã có mặt được hơn 5 năm nay, tức là công nghệ SSD đã thay đổi rất rất nhiều trong suốt thời gian đó.

Còn người thuyết trình là Alvin Cox, chủ tịch của ủy ban chuyên trách về SSD của JEDEC đồng thời cũng là một kĩ sư cao cấp của Seagate. Trong ủy ban này không chỉ có Seagate mà còn nhiều công ty khác nữa do họ đều nhắm đến mục đích chung là tạo ra các sản phẩm tuân theo các tiêu chuẩn nhất định.

Cuối cùng, chính Alvin Cox chia sẻ thêm rằng bài thuyết trình nói trên được dùng để nói về những tình huống xấu nhất. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một chiếc xe tải chở SSD bị hư dọc đường? Chiếc xe tải đó có thể dừng lại bao lâu giữa trời nắng trước khi dữ liệu bắt đầu bị mất? Đây là những tình huống mà hiếm khi nào xảy ra trong đời sống hằng ngày của phần lớn khách hàng nói chung, ngay cả khi các doanh nghiệp di chuyển lượng SSD lớn như thế thì họ cũng đã có đủ các biện pháp bảo quản rồi.

Trước khi chúng ta nói về vấn đề thời gian lưu trữ dữ liệu, hãy xem qua những điều cần mà các nhà sản xuất thường sử dụng để đo độ bền của SSD: Chúng bao gồm:
  1. Dung lượng lưu trữ của ổ phải giữ nguyên: tức là số ô nhớ không bị giảm đi quá nhiều đến mức người dùng bị thất thoát dung lượng so với lúc mới mua
  2. Ổ phải đạt đến một mức UBER nhất định: đây là chỉ số dùng để đo số lỗi dữ liệu tính trên một đơn vị bit được SSD đọc, và chỉ số này cũng phải nằm trong một khoảng đã được định sẵn
  3. Ổ phải đạt tỉ lệ hư hỏng thấp hơn hoặc bằng mức do JEDEC đưa ra (FFR)
  4. Ổ phải còn lưu dữ liệu đầy đủ ngay cả khi không được cấp nguồn sau một khoảng thời gian nhất định
  5. Tất cả những điều kiện nói trên đều phải được bảo toàn khi mà dung lượng sử dụng thực tế đạt đến mức tối đa mà ổ SSD có thể chịu đựng được (ví dụ: nếu một ổ được quảng cáo là có thể ghi đến 100TB sau nhiều lần xóa thì các con số nói trên vẫn đúng ngay cả khi người dùng đã ghi xóa 100TB).
Bảng bên trên tóm tắt đầu đủ những yêu cầu của SSD, cho cả nhóm khách hàng tiêu dùng (chính là anh em Tinh tế chúng ta) lẫn nhóm khách hàng doanh nghiệp. Như các bạn có thể thấy, yêu cầu lưu trữ dữ liệu của SSD khi không có nguồn phải tối thiểu là 1 năm trong điều kiện 30 độ C, tức là lớn hơn so với nhiệt độ phòng trung bình.

Yeu_cau_SSD.

Lại nói về nhiệt độ, mời các bạn xem qua sơ đồ ngay bên dưới đoạn chữ này. Trục tung là nhiệt độ quanh ổ khi không có nguồn điện, trục dọc là nhiệt độ môi trường khi đang chạy, còn các ô ở giữa thể hiện số tuần mà ổ SSD dành cho nhóm khách hàng tiêu dùng có thể còn lưu được giữ liệu ở các mức nhiệt độ khác nhau. Bạn có thể thấy là nếu chạy ở mức 40 độ C khi có nguồn và 30 độ C khi không có điện, một ổ SSD tiêu dùng có khả năng lưu giữ liệu đến 52 tuần, tức là 1 năm.

Nhiet_do_sau_hon.PNG

Còn ở tình trạng tệ nhất khi mà nhiệt độ lúc chạy vào khoảng 25-30 độ C và nhiệt độ khi không có nguồn là 55 độ C, dữ liệu chỉ có thể lưu khoảng 1 tuần mà thôi. Đó là lý do vì sao nhiều trang web nói rằng bạn có thể mất dữ liệu chỉ trong vài ngày.

Tuy nhiên, điều kiện nhiệt độ như thế này khác rất xa so với thực tế. Thường thì chúng ta sẽ để ổ SSD trong một căn phòng hoặc trong nhà, nơi nhiệt độ gần như không thể nào chạm đến mốc 55 độ C, thường chỉ khoảng 30 độ C trở xuống mà thôi. Trong khi đó, nhiệt độ khi hoạt động của ổ cũng chẳng thể nào xuống thấp tới 25-30 độ C bởi SSD cũng như các linh kiện khác trong máy tính sẽ tạo ra nhiệt, và thường con số này sẽ từ 40 độ C trở lên.

Vậy tại sao lại nhiệt độ thay đổi lại làm ảnh hưởng đến khả năng lưu dữ liệu của SSD? Trong các ổ NAND flash đang được xài để làm SSD hiện nay, khi không có nguồn điện, các electron của chất bán dẫn không được phép di chuyển vì điều đó sẽ thay đổi điện tích của các ô nhớ (còn gọi là cell nhớ). Khi nhiệt độ tăng lên, các electron sẽ thoát khỏi cổng nổi (floating gate) nhanh hơn bình thường và khiến trạng thái điện thế của cell bị thay đổi, từ đó làm cho dữ liệu bị lỗi, hay nói cách khác là ổ SSD không còn lưu dữ liệu đầy đủ nữa.

Cau_tao_NAND_cell.
Còn trong điều kiện sử dụng có cấp nguồn thì hiệu ứng sẽ ngược lại. Nhiệt độ còn cao sẽ khiến chất bán dẫn dẫn điện tốt hơn, và dòng điện cường độ lớn sẽ giúp electron di chuyển dễ dàng hơn khi chạy các tác vụ ghi hoặc xóa dữ liệu.

Nói tóm lại, nếu bạn sử dụng và lưu trữ ổ SSD trong điều kiện bình thường như bao người khác, bạn chẳng phải lo lắng gì cả. Và cũng cần nói thêm rằng với những công nghệ mới thì thời gian lưu trữ dữ liệu thậm chí còn lâu hơn, có thể lên đến 10 năm với những ổ dùng chip NAND MLC. Trong 10 năm đó, nhiều khả năng là bạn đã vứt hoặc thay mới ổ SSD của mình trước khi dữ liệu kịp thất thoát. Còn nếu bạn muốn lưu trữ dữ liệu dài lâu, cũng là những dữ liệu ít khi đụng đến, thì hãy dùng đến các giải pháp khác như HDD chẳng hạn bởi dù sao thì SSD cũng quá đắt đỏ cho nhu cầu này.

Nguồn: AnandTech, PCWorld
Ảnh: LaptopMag
 
Content you add hereTheo: tinhte.vn
Socialize It →
Đăng ký theo dỏi những bài viết mới

Other Interesting Posts :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

© 2014 All Rights Reserved.
Tin Công Nghệ & Powered By Blogger Auto Post
Contact email: thienquangptq@gmail.com OR call: 0946.629.486(Thiên Quang)